Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số rào cản, đặc biệt là việc phát triển đồng bộ hệ thống nhà ở, dịch vụ phục vụ cho khu công nghiệp.
Bất động sản khu công nghiệp phía Bắc bứt phá
Theo số liệu mới nhất từ Công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, bất chấp những thách thức đặt ra bởi tình hình đại dịch, tỷ lệ lấp đầy bất động sản công nghiệp ở một số tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Bắc nhìn chung vẫn ổn định. Tỷ lệ lấp đầy trung bình toàn là 87% trên tổng diện tích đất, tăng 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Cá biệt có địa phương tỷ lệ lấp đầy lên tới 99% như tại tỉnh Bắc Ninh. Đáng chú ý, giá thuê đất tăng 9,89% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 100 USD/m2. Giá thuê cao nhất là Hà Nội, tiếp đến là Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương.
Tuy có lợi thế về giá thuê, và một số thuận lợi về vị trí địa lý, hạ tầng khác, nhưng nhiều doanh nghiệp đánh giá, vấn đề phát triển nhà ở, dịch vụ vẫn đang là điểm yếu của các khu công nghiệp phía Bắc.
Thiếu nhà ở - Rào cản trong phát triển khu công nghiệp
Công ty Cổ phần UIL Việt Nam đã đặt nhà máy tại Việt Nam 12 năm, nhưng hiện nay họ mới có nhà ở cho chuyên gia người nước ngoài ở bên trong khu công nghiệp, chưa có nhà ở cho công nhân.
Ông Kim Dong Young, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần UIL Việt Nam, cho biết: "Chúng tôi đã có khu nhà ở cho chuyên gia người Hàn Quốc ở trong khu công nghiệp, nhưng phải đi thuê nhà ở bên ngoài cho khoảng 300 công nhân. Nếu có các dự án nhà ở công nhân tập trung, ổn định thì sẽ giữ chân người lao động tốt hơn, cũng như đảm bảo cuộc sống an toàn cho họ, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh".
Tại Việt Nam các chủ đầu tư chỉ phát triển khu công nghiệp thôi, không quan tâm tới phát triển đô thị. Còn ở nước ngoài, khi xây dựng khu công nghiệp người ta còn phát triển cả khu dân sinh phục vụ cho khu ấy, như vậy sẽ phát triển đồng bộ hơn.
Các doanh nghiệp cũng cho biết, việc thiếu nhà ở, dịch vụ cũng khiến nhiều khu công nghiệp khó giữ chân người lao động làm việc một cách lâu dài.
Khu công nghiệp phía Bắc hút khách nhờ giá thuê còn thấp
Theo khảo sát của phóng viên, một số khu công nghiệp phía Bắc đã nhanh chóng lấp đầy 100%. Đâu là lý do khiến cho bất động sản khu công nghiệp trở nên hấp dẫn đối với các doanh nghiệp sản xuất đến từ nhiều nước trên thế giới.
Theo số liệu từ Savills, Bắc Ninh là địa phương dẫn đầu trong việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp phía Bắc. Ngoài lợi thế gần Hà Nội, địa phương đã thực thi một loạt giải pháp để giữ chân doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng ban Quản lý các Khu Công nghiệp, tỉnh Bắc Ninh, cho biết: "Tại thời điểm cả tỉnh Bắc Ninh thực hiện Chỉ thị 16, tỉnh đã có quyết định táo bạo là đề xuất với Chính phủ và Thủ tướng để nhập khẩu chuyên gia để đảm bảo không bị gián đoạn sản xuất, đứt gãy sản xuất, tạo niềm tin, cơ hội cho doanh nghiệp, Doanh nghiệp đã rất yên tâm, giữ chân nhà đâu tư cũ, và thu hút nhà đầu tư mới".
Bắc Ninh là tỉnh đi đầu trong việc thu hút đầu tư khu công nghiệp. Đó là vì ngay trong khi dịch bệnh, địa phương này đã có nhiều giải pháp sáng tạo, quyết liệt để thu hút đầu tư.
Bà Trương Minh Hạnh, Giám đốc Kinh doanh Khu Công nghiệp VSIP miền Bắc, nhận định: "Nói chung nhu cầu đầu tư có ảnh hưởng phần nào nhưng vẫn lạc quan. Tất cả sự ảnh hưởng này chỉ rơi vào ngắn hạn thôi, không phải dài hạn, Bắc Ninh vẫn là điểm thu hút đầu tư sáng vì có nhà đầu tư quyết định đầu tư hàng tỷ USD".
Còn tại Hải Phòng, đại diện một số khu công nghiệp cho biết, vài tháng trở lại đây, số lượng nhà đầu tư đã bất ngờ tăng 10-30% so với năm ngoái.
Bà Trần Thị Tú Loan, Giám đốc Kinh doanh Khu Công nghiệp Nam Đình Vũ, Tập đoàn Sao Đỏ cho biết: "Nhu cầu của nhà đầu tư bị dồn nén suốt năm 2020, Việt Nam hiện giờ xác định sống chung với dịch bệnh nên các nhà đầu không thể chờ đợi thêm nữa. Họ quyết định đầu tư trong nửa cuối 2021 và dự kiến sẽ kéo dài sang cả năm 2021".
Ông Koen Soenens, Giám đốc Kinh doanh và Marketing của Khu công nghiệp DEEP C nhận định: "Điều này không có gì đáng ngạc nhiên bởi vì cho dù phải đối mặt với dịch bệnh, các nhà đầu tư quốc tế vẫn dành rất nhiều quan tâm và tin tưởng đối với Việt Nam. Ở đây có lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống giao thông hoàn thiện, thuận tiện quản lý chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư".
Theo phân tích của các chuyên gia, giá thuê khu công nghiệp tại phía Bắc thấp hơn khu vực phía Nam. Cụ thể, một thống kê của Công ty JLL cho thấy, giá thuê đất trung bình ở các khu công nghiệp phía Nam vẫn duy trì ở mức cao là 111 USD/m2/chu kỳ thuê, trong khi ở phía Bắc mới đạt đỉnh là 107 USD/m2/chu kỳ thuê. Nhiều doanh nghiệp FDI mới vào Việt Nam sẽ có sự cân nhắc tìm kiếm, so sánh giá thuê, và xem xét đến nguồn cung dồi dào trong tương lai, để mở rộng quy mô hoạt động.
Thực tế, không ít lao động phổ thông coi đi làm ở khu công nghiệp là lao động thời vụ lúc nông nhàn, khó có sự gắn bó lâu dài, chuyên nghiệp. Một trong những lý do nằm ở chỗ, họ thiếu nơi ở an cư một cách lâu dài, hoặc nhiều nhu cầu thiết yếu cho đời sống không đáp ứng hết được. Ví dụ như con cái không có nơi học hành, thiếu nơi để đi chợ, mua sắm. Gần đây, xu hướng phát triển nhà ở đô thị tại các khu công nghiệp đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm.
Xu hướng phát triển nhà ở tại các khu công nghiệp
Khu công nghiệp Nam Hà Nội HANSSIP nằm tiếp giáp Quốc lộ 1A và cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, chỉ cách trung tâm Hà Nội 40 phút. Vừa qua, khu công nghiệp này đã đón nhận thêm 1 dự án nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ đến từ Nhật Bản. Ngoài việc thu hút các nhà máy đầu tư, khu công nghiệp đang xây dựng song song hạ tầng để phát triển đô thị nhà ở, dịch vụ.
Ông Trần Phương Lâm, Giám đôc Ban Kinh doanh, Công ty Cổ phần Tập đoàn N&G cho biết: "Nhu cầu nhà ở của người lao động rất lớn, ngoài chỗ là việc ổn định, nhu cầu nhà ở, nhà trẻ, dịch vụ rất cấp thiết. Chúng tôi xây dựng tiện ích cho người lao động, lãnh đạo doanh nghiệp, khách sạn, nhà ở công nhân".
Đại diện phân phối dự án Inoha City cho biết, nhà ở ngay cạnh các khu công nghiệp đang trở thành một phân khúc bất động sản mới, không chỉ thu hút người làm việc gần đó, mà còn hấp dẫn các nhà đầu tư, bởi tiềm năng khai thác các dịch vụ thương mại rất lớn. Thậm chí, nhiều dự án có vị trí tốt đã nhanh chóng hết hàng.
Cách đây vài chục năm trước, ở phía Bắc, đã có những khu công nghiệp phát triển thành các đô thị sầm uất nhờ có hạ tầng dịch vụ đầy đủ như: nhà ở, nhà trẻ, trường học, bệnh viện… như Thành phố Việt Trì, Phú Thọ, hay Thành phố Thái Nguyên. Các đơn vị theo dõi thị trường cho biết, xu hướng đô thị hóa cạnh các khu công nghiệp đang quay trở lại và sẽ thành xu hướng tất yếu trên thị trường.
Rõ ràng, bất động sản khu công nghiệp phía Bắc đang có nhiều lợi thế song việc hoàn thiện các dịch vụ còn thiếu và yếu như nhà ở sẽ giúp mô hình này phát triển bền vững và bài bản hơn. Điều này vừa giúp tăng thu hút đầu tư tại các địa phương, vừa là động lực giúp người lao động ổn định cuộc sống.
TEEL Việt Nam (Theo VTV)