Mới đây, Lotte đã động thổ Dự án Khu phức hợp thông minh (Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm - TP.HCM)
Tham vọng lớn của các “ông lớn”
Thông tin được công bố trong những ngày gần đây, Tập đoàn ParkCity Property Holdings (Malaysia) đã tới Long An để đề xuất đầu tư Dự án Khu phức hợp đô thị và công nghiệp, diện tích khoảng 2.600 ha, bao gồm hệ thống sân golf 36 lỗ.
Chia sẻ tại cuộc gặp với lãnh đạo tỉnh Long An, ông Datuk Seri Yaw Chee Siew, Chủ tịch Tập đoàn ParkCity Property Holdings cho biết, ParkCity mong muốn quy hoạch tạo ra tổ hợp phát triển bền vững lâu dài để khai thác vị trí thuận lợi giữa Long An và TP.HCM.
Không chỉ đến Long An, cuối tháng 6/2022, ParkCity cũng đã đến Đà Nẵng để tìm kiếm cơ hội đầu tư. Chưa biết ParkCity sẽ “chốt deal” ra sao, nhưng những động thái này cho thấy, sau khi thành công với việc phát triển Khu đô thị ParkCity (Hà Đông, Hà Nội), “ông lớn” Malaysia đã có những toan tính lớn hơn ở thị trường Việt Nam.
Lotte (Hàn Quốc) cũng có động thái tương tự. Đầu tháng 9, đúng dịp Quốc khánh, sau nhiều chờ đợi, Lotte đã động thổ Dự án Khu phức hợp thông minh (Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm - TP.HCM). Dự án quy mô khoảng 900 triệu USD (ban đầu được đề xuất với quy mô gần 2 tỷ USD), dự kiến xây dựng 5 tầng hầm, 60 tầng nổi, với các chức năng như khách sạn, khu thương mại, khu dân cư…
Như vậy, Lotte đã tiến thêm một bước nữa trong hành trình đầu tư tại Việt Nam, sau khi đã đầu tư một loạt dự án, như Lotte Center Hà Nội, Lotte Hotel Saigon, chuỗi các cửa hàng Lotteria… Ngoài ra, Lotte Mall Tây Hồ cũng đang được xây dựng tại Hà Nội.
Ông Shin Dong Bin, Chủ tịch Tập đoàn Lotte chia sẻ, Lotte Eco Smart City Thủ Thiêm được động thổ sẽ đánh dấu “điểm khởi đầu” cho các hoạt động đầu tư mở rộng sắp tới của Lotte tại Việt Nam. Điều này càng có ý nghĩa hơn, khi năm 2022 kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Và chính các nhà đầu tư Hàn Quốc đã nói rằng, đây có thể là cơ hội để họ đẩy mạnh các kế hoạch đầu tư vào Việt Nam.
Điều này là có cơ sở, bởi mới đây, Samsung cũng đã tuyên bố sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD trong năm 2022, sau khi đã thành công với các tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM.
Trong khi đó, Uniqlo, một tên tuổi lớn của Nhật Bản, vừa công bố ngay trong mùa Thu - Đông năm nay sẽ mở thêm 3 cửa hàng tại Hà Nội. “Sự ra mắt của 3 cửa hàng sắp tới sẽ tiếp tục góp phần đẩy mạnh hoạt động của thương hiệu với hệ thống 15 cửa hàng bán lẻ cùng cửa hàng Uniqlo online, hiện thực hóa cam kết mang đến những đóng góp lâu dài, tích cực cho cộng đồng và xã hội Việt Nam”, ông Osamu Ikezoe, Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam nói.
Và kỳ vọng của Việt Nam
Các “ông lớn” nước ngoài vẫn đang bày tỏ sự quan tâm tới thị trường Việt Nam, không ít trong số đó đã và đang hiện thực hóa các kế hoạch đầu tư của mình. Samsung, Intel… là những ví dụ điển hình. Hay STS Development (Hàn Quốc) cũng vậy. Cuối tháng 8 vừa qua, STS đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với các đối tác và Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Long An về việc xúc tiến đầu tư phát triển dự án khu phức hợp đa năng, bao gồm biệt thự nghỉ dượng, sân golf, resort…, quy mô 150 ha. Foxconn cũng đã và đang có các kế hoạch đầu tư mới.
Ông Philipp Rosler, nguyên Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới nhận định, việc Việt Nam xuất hiện trong những phương án cân nhắc của các tập đoàn công nghệ lớn là “một điều tuyệt vời”.
Tuy nhiên, cách đây ít ngày, khi báo cáo Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng một lần nữa nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang gặp nhiều khó khăn, lượng vốn FDI đăng lý mới 8 tháng đầu năm chỉ bằng 56,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Điều này ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực FDI, có thể tác động tới kim ngạch xuất nhập khẩu, cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.
Hơn thế, điều khiến Bộ trưởng lo lắng là chất lượng FDI chậm được cải thiện, thiếu các dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, liên kết chặt chẽ và hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho khu vực trong nước.
Rõ ràng, kỳ vọng và “tham vọng” của Việt Nam cũng lớn không kém, không chỉ là thu hút được nhiều vốn FDI, mà còn phải là dự án quy mô lớn và công nghệ hiện đại.
Mặc dù vậy, câu chuyện sẽ không dễ dàng, bởi chính Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, đầu tư toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự trở lại của Covid-19.
Trong bối cảnh chung đó, cái khó của Việt Nam là làm sao tận dụng được các cơ hội từ xu hướng dịch chuyển vốn đầu tư mang lại.
Số liệu của FDI Markets cho thấy, trong quý đầu tiên của năm 2022, các dự án cấp mới trên toàn cầu giảm 13%. Mặc dù các chính sách nới lỏng tài chính và các gói kích thích tại mỗi quốc gia là động lực thúc đẩy dòng vốn FDI toàn cầu, khiến đầu tư của một số ngành đã bùng nổ mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực phần mềm và dịch vụ tài chính, nhưng theo đánh giá của UNTAD, vốn FDI trên thế giới năm 2022 nhiều khả năng giảm hoặc trong kịch bản khả quan nhất là đi ngang so với năm 2021.
TEEL Việt Nam (Theo Báo đầu tư)