Mới đây, Kiểm toán Nhà nước đã công bố kết quả kiểm toán tổng hợp, kiểm toán chuyên đề tại 18 tỉnh, thành trên cả nước. Qua đó cho thấy công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư còn nhiều hạn chế.
Lập dự án chưa phù hợp chủ trương đầu tư
Điều này thể hiện ở việc chưa lập và trình phê duyệt, chưa được thẩm định, chậm so với quy định; phê duyệt chủ trương khi chưa xác định rõ nguồn và khả năng cân đối vốn, trước khi phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, không đúng thẩm quyền, không phù hợp quy hoạch, chưa sát thực tế phải điều chỉnh; phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư chưa đảm bảo điều kiện theo quy định.
Về công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, Kiểm toán Nhà nước cho biết, còn diễn ra tình trạng khảo sát, thí nghiệm giai đoạn lập dự án không cần thiết; thiết kế chưa phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia; lập dự án đầu tư chưa phù hợp với chủ trương đầu tư, chưa xác định rõ nguồn vốn, chưa đầy đủ thủ tục, chưa được thỏa thuận về quy hoạch, chưa phù hợp quy hoạch, chưa xem xét đầy đủ các yếu tố, phải điều chỉnh; thẩm định điều chỉnh dự án vượt quá thời gian thực hiện dự án; phê duyệt dự án khi chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa thực hiện khảo sát, lập, thẩm định dự án, không dự kiến bố trí kế hoạch vốn theo thời gian thực hiện, xác định tổng mức đầu tư thiếu chính xác phải điều chỉnh nhiều lần; xác định chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp thực tế phải điều chỉnh, làm vượt kế hoạch vốn trung hạn, chưa có báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt bản vẽ thiết kế cơ sở chưa đúng thẩm quyền.
Với công tác khảo sát, lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán: khảo sát, thiết kế chưa đầy đủ, chính xác; hồ sơ thiết kế chưa hợp lý, thiếu cơ sở, chưa tuân thủ đầy đủ tiêu chuẩn kỹ thuật; chỉ dẫn kỹ thuật chưa phù hợp với hồ sơ yêu cầu và hợp đồng; chưa thực hiện thiết kế thành phần vật liệu của cấp phối theo quy định; chưa chi tiết, đầy đủ, tính toán sai khối lượng, đơn giá, chưa sát thực tế phải điều chỉnh; phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán không phù hợp quy hoạch; thay đổi quy mô dự án nhưng chưa được phê duyệt điều chỉnh trước khi thực hiện; chưa tận dụng đất, vật tư dư thừa, vật tư thu hồi, xây dựng danh mục, số lượng và cấu hình trang thiết bị y tế chưa đảm bảo; phê duyệt dự toán, thiết kế bản vẽ thi công chưa đủ thủ tục; phê duyệt điều chỉnh, bổ sung thiết kế kỹ thuật thi công, dự toán sau khi công trình đã hoàn thành; dự toán lập, thẩm định, phê duyệt chưa đúng tỷ lệ dự phòng làm tăng giá gói thầu.
Ở công tác lựa chọn nhà thầu: nhiều địa phương không lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu một số gói thầu trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư; thẩm định, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, hồ sơ mời thầu chưa đúng quy định, kế hoạch đấu thầu chưa nêu rõ nguồn vốn, không phù hợp tiến độ thực hiện dự án; kế hoạch đấu thầu điều chỉnh không có báo cáo thẩm định trước khi phê duyệt; hồ sơ mời thầu có tiên lượng mời thầu sai, thiếu, thừa khối lượng một số hạng mục, không quy định mức tạm ứng theo quy định, nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa, đưa ra yêu cầu chưa phù hợp, giá gói thầu chưa được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu dẫn đến phải xử lý tình huống; thời gian xét thầu chưa đảm bảo kế hoạch, không làm rõ đơn giá bất thường; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu, phân chia gói thầu, chỉ định thầu không đúng quy định; không đăng tải thông tin về đấu thầu; tỷ lệ tổ chức đấu thầu qua mạng tại nhiều địa phương chưa đảm bảo lộ trình, không đấu thầu qua mạng.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Còn trong công tác đàm phán, ký kết hợp đồng xây dựng thì lựa chọn hình thức hợp đồng lại không phù hợp; điều khoản hợp đồng thiếu chặt chẽ, chưa đầy đủ; công tác đàm phán, ký kết hợp đồng, phân chia tiến độ chưa phù hợp với điều kiện của hồ sơ mời thầu; ký kết hợp đồng chưa giảm trừ 5% tiết kiệm theo quy định của Bộ GTVT, không bao gồm thuế nhập khẩu theo quy định, không đúng tỷ lệ theo thoả thuận liên doanh giữa các nhà thầu liên danh; ký hợp đồng trọn gói chưa phù hợp quy định; hợp đồng bảo hiểm được ký kết sau thời điểm khởi công; không thực hiện mua bảo hiểm theo cam kết; chủ đầu tư chưa rà soát số dư tạm ứng hợp đồng của dự án dừng thi công do vướng mặt bằng để có biện pháp thu hồi; chưa điều chỉnh hợp đồng đối với các hạng mục, công tác tạm tính hoặc có thay đổi.
Với công tác quản lý chất lượng: hồ sơ quản lý chất lượng còn thiếu sót, không đầy đủ; công tác khảo sát còn chưa đánh giá đầy đủ dữ liệu địa chất, chưa lập quy trình bảo trì; một số gói thầu chưa đầy đủ kết quả thí nghiệm; thiếu hồ sơ quan trắc lún; phê duyệt phương án rà phá bom mìn vượt quá mức quy định; thi công không đảm bảo chất lượng; bản vẽ hoàn công chưa tuân thủ quy định; dự án hoàn thành nhưng chưa thực hiện nghiệm thu theo quy định; không thực hiện đầy đủ chế độ báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư.
Đặc biệt, tiến độ thực hiện nhiều dự án chậm trên 12 tháng so với quyết định phê duyệt, cá biệt có dự án thực hiện trên 18 năm chưa hoàn thành. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, bổ sung thay đổi nhiều hạng mục, bố trí vốn không đúng tiến độ và do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.
Về công tác nghiệm thu, thanh toán: thi công không đúng hồ sơ thiết kế được duyệt, thanh toán vượt cơ cấu tổng mức đầu tư; chậm thu hồi các khoản tạm ứng quá thời gian quy định còn xảy ra tại hầu hết các địa phương được kiểm toán hoặc thu hồi chưa đúng quy định; còn dự án, gói thầu chậm hoặc chưa xuất hóa đơn giá trị gia tăng khối lượng đã nghiệm thu; thanh toán khối lượng hoàn thành chưa đủ thủ tục; chậm nghiệm thu bàn giao, chuyển giao công nghệ đưa vào sử dụng; tạm ứng, thanh toán kinh phí tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng khi chưa có dự toán; thanh toán vượt quyết toán A-B; còn không ít trường hợp nghiệm thu, thanh toán sai khối lượng, đơn giá, định mức hoặc chưa đầy đủ thủ tục, hồ sơ, điều kiện thanh toán đã được kiểm toán phát hiện và kiến nghị xử lý, khắc phục…
Theo Vneconomy