Tuyến tránh TP Phủ Lý
Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ VN rà soát lại các điều khoản theo quy định của hợp đồng BOT để xem xét đề nghị nhượng quyền khai thác của nhà đầu tư tại dự án đầu tư QL1 đoạn tránh TP Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 215+775 - Km 235+885, tỉnh Hà Nam.
Doanh nghiệp Nhật đặt chân vào thị trường BOT Việt Nam
Đầu tháng 6 vừa qua, Công ty CP FECON cùng Công ty CP Hạ tầng FECON (FCI), Công ty CP Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) và Công ty CP Đường cao tốc Quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) đã ký văn bản thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
Theo đó, NEXCO và JEXWAY sẽ mua lại 20% cổ phần của FECON tại dự án BOT tuyến tránh TP Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1, đoạn Km 215 +775 - Km 235+885 tỉnh Hà Nam (Dự án BOT tuyến tránh TP Phủ Lý). Được biết, sau khi mua lại một phần cổ phần của FECON, NEXCO và JEXWAY sẽ cùng tham gia vào việc quản lý và vận hành dự án, tiến tới áp dụng các kinh nghiệm và công nghệ quản lý tiên tiến của Nhật Bản vào dự án này. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác, cùng với thỏa thuận về việc mua bán cổ phần tại dự án đường tránh TP Phủ Lý, ghi nhận lần đầu tiên có doanh nghiêp nước ngoài đặt chân vào thị trường BOT giao thông tại Việt Nam.
Trước đó, Công ty CP FECON đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho phép chuyển nhượng vốn và quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng BOT dự án đầu tư QL1 đoạn tránh TP Phủ Lý và tăng cường mặt đường QL1 đoạn Km 215+775 - Km 235+885 tỉnh Hà Nam (dự án tuyến tránh TP Phủ Lý) nhằm tái cấu trúc hoạt động đầu tư. Cụ thể, FECON đề nghị được chuyển nhượng vốn và quyền, nghĩa vụ tương ứng 40% vốn điều lệ tại doanh nghiệp dự án là Công ty CP Đầu tư hạ tầng FCC, tương ứng với 11,2 triệu cổ phần cho ba đối tác.
Trong đó, Công ty CP FECON hạ tầng (FCI) là công ty con của FECON nhận chuyển nhượng 5,6 triệu cổ phần, tương ứng 20% vốn điều lệ; Công ty Đường cao tốc quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) nhận chuyển nhượng 3,92 triệu cổ phần, tương ứng với 14% vốn điều lệ và Công ty Đường cao tốc miền Trung Nhật Bản (NEXCO) nhận chuyển nhượng 1,68 triệu cổ phần, tương ứng với 6%.
Rà soát điều khoản, xem xét chuyển nhượng
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Viết Huy, Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ GTVT) cho biết, quan điểm của Bộ GTVT là ủng hộ chủ trương nhượng quyền khai thác tại các dự án hạ tầng giao thông đã hoàn thành và đi vào khai thác, tuy nhiên, nhà đầu tư nhận nhượng quyền phải đáp ứng năng lực và các điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành. “NEXCO và JEXWAY là hai đơn vị có rất nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư, quản lý đường cao tốc tại Nhật Bản. Đối với đề xuất của FECON, Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát lại các điều khoản theo quy định của hợp đồng BOT để xem xét, nhượng quyền khai thác dự án”, ông Huy nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH-ĐT) cũng khẳng định, việc chuyển nhượng phần vốn tại các dự án BOT là hợp pháp, được quy định tại khoản 1, Điều 34, Nghị định số 15/2015/NĐ - CP, nhằm đảm bảo quyền định đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Dự án tuyến tránh Phủ Lý được đầu tư theo hình thức BOT được khởi công năm 2014, hoàn thành năm 2016 và chính thức đưa vào khai thác và thu phí kể từ 0h ngày 24/11/2016. Dự án BOT Phủ Lý có tổng chiều dài 43,4km, tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu 2.046 tỷ đồng do liên danh Công ty CP FECON, Công ty CP Xây dựng COTECCONS và CIENCO1 làm nhà đầu tư.
Hiện, mức phí sử dụng đường bộ đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại xe buýt vận tải khách công cộng qua trạm Nam Cầu Giẽ là 25.000 đồng/vé/lượt, 750.000 đồng/vé/tháng và 2.025.000 đồng/vé/quý; Xe 12 - 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn là 40.000 đồng/vé/lượt, 1,2 triệu đồng/vé/tháng và 3,24 triệu đồng/vé/quý…
Theo tính toán, mức thu phí sử dụng đường bộ đối với các loại phương tiện qua trạm thu phí Nam Cầu Giẽ thấp nhất so với các trạm thu phí BOT trên toàn tuyến QL1 hiện nay. Theo tính toán, giá vé của ba loại vé lượt, vé tháng và vé quý trạm Nam Cầu Giẽ giảm tới 30% so với giá vé các trạm BOT đang thu phí trên QL1.
TEEL Việt Nam (theo báo giao thông)