Robot đào hầm tàu điện ngầm
Những ngày tháng 4 lịch sử, khắp nơi trên đường phố TP.HCM cờ hoa, lòng người như rạo rực với nhiều hoạt động tổ chức kỷ niệm ngày Giải phóng thành phố, thống nhất đất nước (30/4). Ngay khu vực trung tâm thành phố, ở dưới lòng đất không khí cũng không kém phần sôi nổi khi các thiết bị máy móc, hàng nghìn công nhân ngày đêm lao động trên đại công trường hơn 2,7km để đào đường hầm của tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên.
Khu vực nhà ga Ba Son, nơi có siêu robot TBM đang đào tuyến hầm phía Đông, đoạn từ ga Ba Son đến Nhà hát TP.HCM thuộc gói thầu 1B. Từ mặt đất, theo hướng dẫn của kỹ sư Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị, chúng tôi bước xuống khu vực công trường với 100 bậc thang bộ đến tầng hầm, đi bộ 380m sâu dưới lòng đất là đến khu vực robot đang thi công. Mặc dù có thiết bị thông gió, nhưng nếu ai mới đến cũng cảm thấy ngộp, trong khi các kỹ sư, công nhân ở đây đã quen với điều kiện không khí này. Kỹ sư Lê Thành Lê, Trợ lý giám đốc Liên danh nhà thầu Shimizu - Maeda cho biết, sau gần 4 tháng thi công, đến nay đường hầm phía Đông đã khoan được khoảng 380m, trên tổng chiều dài 781m, rộng 6,79m.
Một hệ thống máy khoan khổng lồ với hàng nghìn thiết bị máy móc phụ trợ, tất cả đều được điều khiển bởi các kỹ sư người Nhật Bản, Đài Loan trong một phòng làm việc dưới lòng đất sâu gần 15m. Robot TBM hoạt động theo công nghệ “cân bằng áp lực đất”, hệ thống ống dẫn nước, chất phụ gia từ bên ngoài vào làm cho đất tơi xốp, sau đó máy đào sẽ đánh đất nhão ra, nén thổi qua một đường ống khác để đẩy ra bên ngoài. Cứ một tiếng đồng hồ robot TBM đào được 1m dài, sau đó máy tạm dừng để tiến hành lắp các ring (các miếng tạo thành vòm ống, một vòm có 6 ring) cũng mất 1 giờ. Mỗi ngày máy khoan TBM vận hành 24/24h nhưng chỉ đào được 10m hầm. Các kỹ sư, công nhân được chia làm 3 ca, mỗi ca làm việc 8 giờ, số lượng lao động dao động từ 10 - 20 người/ca được ban giám sát dự án và nhà thầu Nhật, nhà thầu phụ Việt Nam theo dõi chặt chẽ.
Kỹ sư Lê cho biết, phần lớn khối lượng công việc đều vận hành tự động nên công nhân làm việc không nhiều, chủ yếu là vận hành máy. Khoảng 5 người trực tiếp xử lý vận hành thi công ở dưới hầm, bao gồm 5 người Nhật phụ trách và giám sát, 6 người Đài Loan vận hành máy và theo dõi kỹ thuật, còn lại 8 -10 công nhân Việt Nam. “Do đã hoàn thiện đường hầm đầu tiên nên việc đào đường hầm số 2 không mấy khó khăn, công nhân kỹ sư phối hợp nhịp nhàng, do đó mọi việc rất hiệu quả và tốc độ nhanh hơn đường hầm thứ nhất”, anh Lê cho biết thêm.
Sẽ có một thành phố trong lòng đất
Dọc đường Lê Lợi từ đường Nhà hát TP.HCM đến công viên 23/9 là cả một đại công trường. Ở đây các nhà thầu đang tập trung nhân lực thi công tuyến đường hầm và các ga Nhà hát TP.HCM, ga Bến Thành. Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 gồm 14 nhà ga, trong đó, nhà ga trung tâm Bến Thành - Nhà hát TP.HCM - Ba Son là nhà ga tích hợp, đóng vai trò trung chuyển giữa các tuyến đường sắt đô thị số 1, 2, 3a và 4. Các nhà ga được xây dựng với độ sâu 40m so với mặt đất, gồm từ 2 - 4 tầng nằm bên dưới hàng loạt công trình quan trọng khác.
Quy hoạch không gian ngầm tại TP.HCM
Mới đây, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM đã triển khai “Quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị TP.HCM”. Theo đó, có 3 khu vực được nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm trong thời gian tới là: Khu vực trung tâm thành phố (rộng 930ha), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất và khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo phân tầng các lớp trong không gian xây dựng ngầm sẽ có 5 tầng. Tầng 1 (chiều sâu từ 0,5 - 3,5m) là hệ thống hạ tầng kỹ thuật như cống rãnh, thoát nước. Tầng 2 (từ 3,5 - 10m) là trung tâm thương mại dịch vụ, công trình công cộng. Tầng 3 (từ 10 - 25m) xây dựng các bãi xe ngầm. Tầng 4 (25 - 40m) và tầng 5 (trên 40m) thường được xây dựng ga tàu điện ngầm.
|
Nhà ga trung tâm Bến Thành được thiết kế có trung tâm thương mại ngầm. Cụ thể, tại tầng hầm B1 sẽ xây dựng một trung tâm thương mại ngầm kéo dài dọc theo đường Lê Lợi hướng về nhà ga Nhà hát TP.HCM dài khoảng 550m. Tầng B2 là nhà ga của tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và Metro số 4 (cầu Bến Cát, quận Gò Vấp - Hiệp Phước, Nhà Bè). Tầng B3 là ga trung chuyển giữa các tuyến metro. Tầng B4 là là ga của tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).
Ông Trần Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Thành phố cho biết, dọc tuyến ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát TP HCM những trung tâm thương mại hai bên như: Trung tâm Thương mại Satra Tax Plaza cao 40 tầng (vị trí Thương xá Tax cũ) đang được xây dựng, Trung tâm Thương mại Vincom (đường Lê Lợi - Nguyễn Huệ), Trung tâm Thương mại The One (Betixco trước chợ Bến Thành) cũng được thiết kế tầng hầm bên dưới nối với metro số 1. Sau này hành khách từ các quận, huyện bên ngoài theo các tuyến metro có thể vào các trung tâm để mua sắm một cách thuận tiện.
Ông Takahashi, đại diện vùng Đông Nam Á của Tập đoàn Nikken Sekkei Civil (đang thực hiện tư vấn gói thầu 1A, 1B tuyến metro số 1), đánh giá cao công tác quy hoạch trong việc kết nối không gian ngầm của tuyến metro số 1 với các trung tâm thương mại dọc hai bên tuyến đường Lê Lợi. “Sau này khi tuyến metro số 1 đưa vào khai thác sẽ hình thành nên một hệ thống trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất dọc từ Nhà hát TP.HCM đến ga Bến Thành như một thành phố dưới lòng đất sầm uất không thua gì các khu thương mại dưới lòng đất ở Nhật Bản”, Takahashi nói.
Theo Ban Quản lý đường sắt đô thị TP HCM, với 8 tuyến metro nối các trung tâm chính của TP có tổng cộng 72 nhà ga ngầm. Riêng khu vực trung tâm thành phố có khoảng 10 nhà ga ngầm. Các chuyên gia về kiến trúc đánh giá đây là một tiềm năng rất lớn, nếu kết hợp được với các bãi đỗ xe ngầm, các trung tâm thương mại ngầm tại các nhà cao tầng sẽ hình thành nên một thành phố dưới lòng đất rất nhộn nhịp.
Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, không gian ngầm cũng là một tài nguyên. Vì vậy, khi xác định giá trị khu đất để đấu thầu hoặc thực hiện các hợp đồng BT cũng phải đánh giá đến giá trị của không gian ngầm. “Khi xây dựng các tuyến metro chúng ta đã hướng đến xây dựng các trung tâm thương mại như một thành phố dưới lòng dất. Những khu đất xây dựng các tòa nhà cao tầng mà có tầng hầm kết nối được với các tuyến metro thì giá trị khu đất tăng lên rất nhiều, vì vậy cần đánh giá kỹ để tránh gây thất thoát cho Nhà nước”, ông Phong yêu cầu.
TEEL Việt Nam (baogiaothong.vn)