Sau chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, nhà đầu tư BOT cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình đang rốt ráo tháo gỡ vướng mắc, thậm chí thay nhiều nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành trước 31/8.
Thay thế nhiều nhà thầu, công trường hết cảnh đìu hiu
Chiều 16/3, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại công trường xây dựng đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình sau gần 2 tháng dự án nhận “tối hậu thư” của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, khí thế thi công đã sục sôi hơn, khác hẳn với cảnh đìu hiu trước đây. Ngay đầu tuyến, hai gói thầu số 7 và số 8 trên địa phận TP Hà Nội, khu vực được coi là trì trệ nhất của dự án hơn hai năm qua đã có dấu hiệu khởi sắc. Máy móc, xe cộ hoạt động rầm rộ, đào, xúc, đổ tải thi công nền đường. Càng đi sâu vào trong về phía Hòa Bình, hình hài của tuyến đường cao tốc càng lộ rõ, nhiều gói thầu đã cơ bản hoàn thiện lớp cấp phối đá dăm, chuẩn bị thảm bê tông nhựa lớp một.
Ông Bùi Quang Bát, Giám đốc Công ty TNHH BOT QL6 Hòa Lạc - Hòa Bình (doanh nghiệp dự án) cho biết, đến nay, sản lượng thi công toàn dự án đạt trên 70%. “Khó khăn nhất là hai gói thầu số 7 và số 8 trên địa bàn TP Hà Nội bị chậm do vướng mặt bằng kéo dài và năng lực tài chính của các nhà thầu chưa đảm bảo”, ông Bát nói và cho biết, để đẩy nhanh tiến độ, vừa qua, nhà đầu tư đã thay thế các nhà thầu Nam Việt (gói 7) và liên danh Thành Nam - Sao Vàng (gói 8) bằng nhà thầu Tổng công ty 36.
Dự án đầu tư xây dựng dự án đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT dài 43,4km gồm hai hợp phần: Tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình dài 25,7km và hợp phần QL6 Xuân Mai - Hòa Bình dài 30,36km đã hoàn thành từ tháng 4/2015. Dự án có tổng mức đầu tư 2.989,12 tỷ đồng, do liên danh Tổng công ty 36 - Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội - Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc làm nhà đầu tư theo hình thức BOT.
|
Theo ông Bát, nút thắt về vốn cũng đang dần được tháo gỡ khi nhà đầu tư Tổng công ty 36 đã bỏ tiền mua lại 9,5% cổ phần (khoảng 34 tỷ đồng) của Công ty CP Đầu tư và Thương mại Hà Nội (Hanco) và phần vốn chủ sở hữu còn thiếu của Công ty CP Xây lắp và Thương mại Trường Lộc đã được góp thêm, đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu trong doanh nghiệp dự án theo đúng quy định.
“Nguồn vốn chủ sở hữu đã đóng đủ, mặt bằng cơ bản được bàn giao và ngân hàng tài trợ vốn là SHB cũng cam kết nối lại giải ngân cho dự án ngay khi Bộ GTVT điều chỉnh tổng mức đầu tư và ký phụ lục hợp đồng dự án, chúng tôi đang nỗ lực hoàn thành dự án theo yêu cầu tiến độ đặt ra”, ông Bát nói.
Ông Lưu Việt Khoa, Phó giám đốc Ban QLDA2 (đại diện cơ quan Nhà nước có thẩm quyền) cho biết, tiến độ dự án trong hơn một tháng qua đã khởi sắc, sau thời gian dài ngưng trệ. “Tuy nhiên, công địa thi công rất rộng, để đảm bảo tiến độ hoàn thành trước 31/8, chúng tôi đã đề nghị nhà đầu tư phải tiếp tục thay thế nhà thầu thi công tại gói thầu số 14”, ông Khoa nói và cho biết, dự kiến trong tuần Bộ GTVT sẽ hoàn thành việc ký phụ lục hợp đồng BOT với nhà đầu tư. Đối với khoản tiền thu vượt của trạm thu giá đặt trên QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình, Ban QLDA2 đã có văn bản đề nghị Vụ Tài chính hướng dẫn để giải ngân vốn cho dự án cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình.
Cao tốc lỡ hẹn sẽ dừng thu phí QL6 Xuân Mai - Hòa Bình
Sốt ruột trước tiến độ hoàn thành dự án chỉ còn hơn 4 tháng, ông Nguyễn Đăng Giáp, Tổng giám đốc Tổng công ty 36 phải xắn áo, cuốc bộ đến từng điểm “nóng” để đốc thúc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Bất bình trước tình trạng hai nhà thầu Nam Việt và Công ty CP 222 tại gói thầu 14 vẫn ì ạch, ông Giáp yêu cầu doanh nghiệp dự án ngay trong ngày phải bổ sung nhà thầu Phương Thành vào thi công.
“Yêu cầu của Bộ GTVT là hoàn thành dự án vào 31/8, chúng ta sẽ phải làm xong hết trước 30/7. Bắt đầu từ hôm nay, nhà đầu tư phải cử người lên công trường để giám sát tiến độ, chất lượng dự án 24/24h. Giám đốc BOT phải túc trực ở đây đến hết ngày 30/7 để chỉ đạo công tác điều hành dự án. Chỗ nào thiếu máy móc, thiết bị phải bổ sung ngay. Tiến độ dự án phải được báo cáo hàng ngày, vốn có, mặt bằng cơ bản đã xong, chúng ta không có lý do để làm chậm”, ông Giáp nói.
Trước đó, tại cuộc họp kiểm điểm tiến độ dự án ngày 31/1/2018, không chấp nhận tiến độ thi công ì ạch của công trình giao thông trọng điểm khi nhà đầu tư đã vi phạm hợp đồng, dự án đã phải gia hạn lần 3, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định: Trước 31/8/2018, đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình không xong, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng BOT và không cho nhà đầu tư thu phí hoàn vốn tại trạm BOT QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình.
“Bộ GTVT cảnh cáo các nhà đầu tư lần đầu tiên. Nếu tiếp tục không có giải pháp khắc phục, Bộ GTVT sẽ hủy hợp đồng với nhà đầu tư và mọi hậu quả do vi phạm hợp đồng bị hủy sẽ căn cứ vào hợp đồng để xem xét trách nhiệm của các bên liên quan”, Bộ trưởng nói.
TEEL Việt Nam (baogiaothong.vn)