Tại tọa đàm trực tuyến "Phát triển cao tốc Bắc - Nam: Từ chủ trương, chính sách đến hiện thực" do Báo Giao thông tổ chức sáng 1/11, đồng tình với chủ trương đầu tư đường bộ cao tốc Bắc - Nam, song ông Lê Xuân Nghĩa, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia băn khoăn: “Tuyến cao tốc Bắc - Nam chạy dọc chiều dài đất nước, vậy vấn đề kết nối ngang với các tuyến đường khác thế nào, kể cả tuyến đường của các nước trong khu vực?”.
Làm rõ vấn đề này, ông Phạm Hữu Sơn cho biết, trong báo cáo tiền khả thi, TEDI đã tính đến vấn đề kết nối đường bộ cao tốc và đường sắt tốc độ cao với nhau và với các tuyến đường khác, trong đó chỉ rõ, hai tuyến đường có 18 điểm chung hành lang với chiều dài khoảng 183km. Đây là kết quả nghiên cứu của TEDI kết hợp với các đoàn nghiên cứu của các tổ chức quốc tế như: JICA, KOICA,…
“Trong quá trình được Chính phủ và Bộ GTVT giao nhiệm vụ nghiên cứu đường sắt tốc độ cao, dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2018, chúng tôi đã có nghiên cứu và xem xét kết nối để đảm bảo tính hiệu quả của hai tuyến đường này. Đồng thời, các đường kết nối ngang với các tuyến đường nối các nước trong khu vực như: Lào, Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc cũng đã được tính đến”, ông Sơn nói và cho biết, tại miền Bắc sẽ kết nối đường ngang từ cao tốc Bắc - Nam lên đường Hồ Chí Minh; QL217 (Thanh Hóa) đến cửa khẩu Na Mèo; kết nối QL7 qua Hà Tĩnh, cầu Bến Thuỷ với đường 8 sang Lào.
Khu vực miền Trung, khi chúng ta làm được đoạn từ Cam Lộ - La Lơn (102km) sẽ nối thông đường Hồ Chí Minh theo Nghị quyết 66 của Quốc hội, cộng thêm đoạn La Sơn - Túy Loan (66km) và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (127km) sẽ có khoảng 300km. Đồng thời, từ Nha Trang, chúng ta có rất nhiều điểm kết nối với Tây Nguyên. Tại phía Nam, các tuyến kết nối với Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) cũng đã được tính đến.
“Khi cao tốc Bắc - Nam hoàn thành sẽ có chùm cao tốc kết nối với các dự án độc lập đang trong tiến trình triển khai. Mạng lưới cao tốc phía Bắc khá hoàn chỉnh, hiện các đoạn Sơn La, Hòa Bình đang chuẩn bị được triển khai. Phía Nam đã có TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Long Thành - Dầu Giây, còn đoạn Bến Lức - Long Thành sắp hoàn thành và đoạn Dầu Giây - Tân Phú cũng đang được xem xét. Ngoài ra, đoạn cao tốc đi Vũng Tàu hiện đã có dự án kết nối từ Dầu Giây đi cảng biển quốc tế Cái Mép - Thị Vải”, ông Sơn phân tích.
Trả lời câu hỏi: “Vì sao không làm cao tốc Bắc - Nam với quy mô 6 - 10 làn xe mà chỉ làm 4 - 6 làn xe?”, ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ Đối tác công - tư (PPP) cho biết, Bộ GTVT lựa chọn quy mô 4 làn xe dựa trên nghiên cứu của JICA trên cơ sở nghiên cứu, phân tích tất cả các loại hình vận tải, từ đó phân bổ cho từng loại hình vận tải để tránh lãng phí. Trong chiến lược phát triển đường sắt Việt Nam được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2030 sẽ đưa tuyến đường sắt tốc độ cao Hà Nội - Vinh vào khai thác.
“Trong khoảng cách dưới 300km, đi đường sắt tốc độ cao chắc chắn sẽ thuận tiện hơn đường bộ, khi đó nhu cầu đường bộ sẽ giảm xuống. Đây là lý do chính khiến chúng tôi quyết định chỉ làm 4 làn xe”, ông Huy nói và cho biết, thực tế, ở nước ngoài, đường liên tỉnh, liên bang cũng chỉ làm 4 - 6 làn xe, chỉ có đường kết nối giữa các đô thị lớn trong bán kính khoảng 100-200km mới có đường 10 làn xe, bởi khi nhu cầu lên 10 - 12 làn xe, sẽ phải chuyển sang phương thức vận tải khác phù hợp hơn.
TEEL Việt Nam (baogiaothong.vn)