Toàn cảnh Hội nghị.
Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 (gọi tắt là Quy hoạch 1488). Quy hoạch này trên cơ sở phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 được phê duyệt tại Quyết định số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005 (gọi tắt là Quy hoạch 108).
Theo Quy hoạch 1488, cả nước đã có 59 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 62,56 triệu tấn xi măng/năm. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến hết năm 2015, có 32 dây chuyền sản xuất xi măng được xây dựng với tổng công suất thiết kế là 31,68 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ 2016 đến 2020 sẽ có 22 dây chuyền sản xuất được xây dựng với tổng công suất thiết kế là 36,33 triệu tấn/năm.
Nếu thực hiện đúng Quy hoạch 1488 thì đến 31/12/2015 tổng công suất thiết kế xi măng của Việt Nam đạt 92,24 triệu tấn/ năm, đến 2020 đạt 129,52 triệu tấn/năm và đến 2030 sẽ là 139,34 triệu tấn xi măng/năm, cao hơn dự báo nhu cầu nội địa năm 2030 là 22%.
Đến hết 31/12/2016, qua 2 lần rà soát, Bộ Xây dựng đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa ra khỏi quy hoạch 14 dự án xi măng với tổng công suất thiết kế là 8,7 triệu tấn xi măng/năm, giãn tiến độ và hoãn triển khai 12 dự án với tổng công suất thiết kế là 15,46 triệu tấn, bổ sung 4 dự án vào quy hoạch giai đoạn 2011 – 2020 với tổng công suất thiết kế là 8,7 triệu tấn/năm. Ngoài ra có 1 số dự án giãn tiến độ, sau khi thay đổi chủ đầu tư đã được triển khai tiếp trong giai đoạn 2011-2020 với tổng công suất 6,4 triệu tấn.
Trong giai đoạn từ 2011 – 2015 theo Quy hoạch 1488 có 32 dự án sẽ được đầu tư với tổng công suất thiết kế là 31,68 triệu tấn/năm. Thực tế triển khai được 18 dự án với tổng công suất thiết kế đạt 19,62 triệu tấn/năm, đưa tổng công suất thiết kế lên 81,76 triệu tấn xi măng/năm.
Việc điều chỉnh quy hoạch tuy đã làm thay đổi nhiều dự án so với danh mục nêu trong Quy hoạch nhưng đã đảm bảo tổng công suất đầu tư đạt khoảng 80% so với quy hoạch. Mặc dù chưa đạt tổng công suất thiết kế so với quy hoạch 1488 nhưng năng lực sản xuất xi măng của nước ta đã vượt nhu cầu hiện tại tới 48%.
Sự năng động của các nhà máy sản xuất xi măng trong việc tìm thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất xi măng của Việt Nam trong những năm gần đây giảm bớt nhiều gánh nặng về trả nợ, khấu hao và giải quyết việc làm cho người lao động khi đầu tư vượt nhu cầu nội địa.
Nếu tất cả các dự án còn lại trong Quy hoạch 1488 và các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung chưa triển khai, đều được triển khai xây dựng trong giai đoạn 2017 - 2030 thì đến năm 2030 sẽ có 111 dây chuyền sản xuất xi măng với tổng công suất thiết kế là 144,54 triệu tấn xi măng/năm, cao hơn dự báo nhu cầu nội địa năm 2030 khoảng 30%.
Mục tiêu hướng đến phát triển công nghiệp xi măng thành một trong số các ngành công nghiệp mạnh ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xi măng trong nước và xuất khẩu một phần.
Bên cạnh đó sản xuất các sản phẩm xi măng có chất lượng cao, tiêu tốn nguyên liệu và năng lượng thấp, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bền vững. Tạo thêm các nguồn thu ngân sách Nhà nước, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút lực lượng lao động và tạo việc làm, nâng cao đời sống xã hội.
Quy hoạch định hướng phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 nhằm mục đích định hướng đầu tư lâu dài cho ngành công nghiệp xi măng theo các quan điểm và mục tiêu đề ra, đồng thời kết hợp quản lý tài nguyên trong dài hạn.
Quy hoạch cũng đưa ra các dự báo về nhu cầu xi măng của Việt Nam trong từng giai đoạn, trong đó đến năm 2020 khoảng 85 triệu tấn, đến 2025 khoảng 105 triệu tấn và đến năm 2035 khoảng 130 triệu tấn.
Theo các chuyên gia phản biện, bản dự thảo cần nêu rõ tóm tắt, đánh giá những điểm được và chưa đạt được trong Quyết định 1488. Bên cạnh đó cần nêu rõ vì sao dự án không thực hiện được và vì sao bổ sung các dự án mới. Đề nghị bổ sung thêm căn cứ pháp lý, thêm đánh giá nhu cầu xi măng của các nước trong khu vực và các nước khác trên thế giới, bổ sung lộ trình loại bỏ các nhà máy xi măng công suất nhỏ, công nghệ lạc hậu và gây ô nhiễm môi trường.
Phát biểu kết thúc Hội Nghị, Thứ trưởng Bùi Phạm Khánh cảm ơn các thành viên hội đồng, các cơ quan chuyên môn đã có những đánh giá và góp ý để bản dự thảo hoàn thiện hơn.
Tất cả các ý kiến sẽ được tiếp thu đầy đủ các yếu tố để trình lên Thủ tướng Chính phủ. Đề nghị cơ quan soạn thảo, các chuyên gia và thành viên hội đồng sẽ tiếp tục nghiên cứu Tờ trình, Quyết định để có góp ý cụ thể, sâu sắc hơn cho bản dự thảo.
TEEL Việt Nam (baoxaydung.com.vn)