tintuc

Ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội trong làm giao thông ở Nghi Lộc (Nghệ An)

Thực hiện xây dựng nông thôn mới trong khi kinh phí eo hẹp, lãnh đạo huyện Nghi Lộc (Nghệ An) đã trực tiếp mời nhà thầu về và ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội của Nhật Bản để cải tạo và nâng cấp các tuyến giao thông nông thôn; giúp giảm gần 40% chi phí thi công, mở ra một giải pháp mới trong đầu tư xây dựng.
Cuộc thử nghiệm lần đầu tiên ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc) trên tuyến đường liên xã với sự tham dự chứng kiến của tất cả các xã và lãnh đạo các phòng ban của huyện Nghi Lộc về một công nghệ mới trong làm đường giao thông - Đó là ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội là công nghệ đã được Bộ GTVT cho phép ứng dụng rộng rãi theo Quyết định số 1588/QĐ-BGTVT ngày 23/5/2016.

Ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết: Nhận thấy công nghệ ưu việt, tiết kiệm chi phí, hiệu quả cao đồng thời đảm bảo chất lượng, chúng tôi đã mời doanh nghiệp là Công ty Thiết bị giao thông vận tải Viettraco (Hà Nội) về triển khai công trình đầu tiên trên địa bàn và mời lãnh đạo các xã đang xây dựng nông thôn mới về tham quan, học hỏi để triển khai ở xã mình nhằm tiết kiệm chi phí đầu tư.
 

Ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội trong làm giao thông ở Nghi Lộc (Nghệ An)
Đường nông thôn mới làm từ công nghệ tái sinh nguội ở huyện Yên Thành. Ảnh: Trân Châu.

Chứng kiến máy xúc, máy lu làm việc khẩn trương và hiệu quả, Bí thư Đảng ủy xã Nghi Hưng - ông Nguyễn Đình Hoàng cho biết: Trước đây chúng tôi làm đường nông thôn mới theo công nghệ truyền thống, 1 km hết 1,2 - 1,4 tỷ đồng, xã cũng mới làm được có 3 km, hiện còn 8 km đường chưa làm, ngoài ra còn thiết chế văn hóa, môi trường… chưa đạt tiêu chí nông thôn mới. Chứng kiến công nghệ này, thấy chi phí cho 1 km đường chỉ hết 750 triệu đồng, rẻ hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống, tuy nhiên cái khó là phải chủ động kinh phí một lần cho doanh nghiệp trong khi điều kiện bà con còn khó khăn.

Công nghệ gia cố tái sinh nguội tại chỗ là phương pháp thi công sử dụng máy chuyên dùng do hãng SAKAI Nhật Bản chế tạo. Thiết bị chuyên dụng có tính năng tiến hành đồng thời các chức năng phá vụn kết cấu mặt đường cũ theo chiều sâu và trộn đều với chất gia cố thành hỗn hợp vật liệu gia cố. Hỗn hợp được san phẳng và lu đầm chặt tạo thành lớp vật liệu có tính năng bền vững, nâng cao cường độ kết cấu áo đường lớn hơn 2 lần so với phương án sửa chữa nâng cấp truyền thống hoặc thay vật liệu mới.

Công nghệ cào bóc tái sinh nguội thích hợp để cải tạo mặt đường bê tông nhựa cũ có lớp móng trên bằng cấp phối đá hoặc đá dăm, cuội sỏi hoặc mặt đường cấp phối đá dăm cũ với chiều sâu tái sinh kết cấu áo đường cũ từ 8cm cho đến lớn hơn 30cm, chất kết dính thường là nhũ tương, bi tum bọt có hoặc không có phụ gia xi măng.

Công nghệ này có những ưu điểm sau: Tiến hành đồng thời với việc cào bóc, phay, trộn, rải lại và lu lèn bằng một tổ hợp xe máy liên hoàn nên thi công nhanh, chất lượng tốt và dễ kiểm soát chất lượng; có thể xử lý triệt để các vết nứt và biến dạng của lớp mặt đường cũ. Rất thích hợp khi thi công trên đường đang khai thác, có khả năng cho phép thông xe trực tiếp trên bề mặt lớp tái chế sau 1 - 3 ngày. Tận dụng tối đa vật liệu cũ, tái chế lại nên ít phải sử dụng vật liệu bổ sung, giá thành rẻ hơn so với làm mới, có thể giảm tới 50% giá thành so với phương án làm đường bê tông xi măng và giảm 10% giá thành so với các phương pháp truyền thống do tận dụng được 100% vật liệu cũ tại chỗ và rút ngắn thời gian thi công đến 50% so với phương pháp khác.

Sử dụng công nghệ này, có thể giữ nguyên cao độ mặt đường cũ (hoặc tôn cao không đáng kể) do chủ động điều tiết được lượng vật liệu tận dụng, ít ảnh hưởng đến môi trường do ít phải sử dụng vật liệu đá bổ sung. Thi công bằng công nghệ này không gây ảnh hưởng đến các công trình phụ trợ trên tuyến.

Ứng dụng công nghệ cào bóc tái sinh nguội trong làm giao thông ở Nghi Lộc (Nghệ An)
Đổ đá dăm làm đường theo công nghệ tái sinh nguội ở xã Nghi Hoa (Nghi Lộc).

Hiện nay, tình trạng xuống cấp đường nông thôn ở tỉnh Nghệ An nói chung và huyện Nghi Lộc nói riêng khá phổ biến, trong khi đó kinh phí eo hẹp và ngày càng cắt giảm. Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, kinh phí do dân góp là chủ yếu, nên kinh phí càng khó khăn, thì việc ứng dụng công nghệ mới và tiết giảm kinh phí nói trên của Công ty Thiết bị giao thông vận tải Viettraco (Hà Nội) là rất phù hợp.  

Hiện đơn vị này đã triển khai làm một số công trình như đường Hồ Chí Minh, tỉnh lộ ở Hưng Yên, Lạng Sơn... và mới đây là ứng dụng vào làm đường nông thôn mới ở huyện Yên Thành (Nghệ An).  

Ông Đào Minh - Tổng Giám đốc Công ty Công ty Thiết bị giao thông vận tải Viettraco (Hà Nội) cho biết: Công nghệ cào bóc tái sinh nguội hiện khá phổ biến trên thế giới. Với giải pháp này, cường độ và kết cấu áo đường của công trình đường bộ được nâng cao, biện pháp thi công thân thiện môi trường và giá thành rẻ, áp dụng được với mọi tuyến đường từ đường giao thông nông thôn, quốc lộ và đường đô thị. Chúng tôi rất vui mừng vì được mời vào Nghệ An để triển khai các công trình. Chúng tôi sẽ thực hiện công trình đảm bảo chất lượng, mỹ thuật đáp ứng niềm tin của chính quyền và nhân dân địa phương.  

Lãnh đạo huyện Nghi Lộc cũng cho biết thêm, sắp tới huyện sẽ thực hiện công nghệ này ở nhiều công trình khác nữa trên địa bàn.  

Công nghệ tái sinh nguội được áp dụng sớm nhất tại Mỹ, các nước châu Âu và Nhật Bản với thời gian đã trên 30 năm, điển hình như hãng Wirtgen, hãng SaKai. Lợi ích của tái sinh nguội là giảm được tồn đọng của hệ thống đường bộ cần bảo trì đến 60%. Kết quả cho thấy, mặt đường tái sinh nguội nếu thi công đảm bảo yêu cầu, sẽ có tuổi thọ từ 15 - 20 năm.
 
Teel Việt Nam (TH/ Báo Nghệ An)

Bài viết khác

Giới thiệu công ty

Giới thiệu

TEELgroup được sáng lập bởi các kỹ sư xây dựng trẻ tuổi, năng động và đầy nhiệt huyết, với mong muốn mãnh liệt là được sáng tạo, cống hiến, xây dựng nên những công trình có giá trị trong hiện tại, bền vững trong tương lai...

Đối tác - khách hàng

Copyright © 2024 Teel.vn. All Rights Reserved.

Thiết kế và phát triển bởi Gamma NT

top