tintuc

Cần giải pháp đồng bộ về cát

Để tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh cát, cần có giải pháp đồng bộ của Chính phủ, các Bộ ngành cũng như địa phương trong nghiên cứu, sản xuất, sử dụng các loại VLXD thay thế cát tự nhiên cũng như cân đối cung cầu về cát tại mỗi địa phương để có phương án sử dụng vật liệu thay thế.
 
Cần giải pháp đồng bộ về cát

Ban hành quy chuẩn tiêu chuẩn

Thời gian qua, các quy chuẩn, tiêu chuẩn đối với một số VLXD có khả năng thay thế cát tự nhiên trong hoạt động xây dựng đã được ban hành tương đối đầy đủ và đang tiếp tục được nghiên cứu ban hành trong thời gian ngắn sắp tới.

Để có thể sử dụng VLXD khác thay thế cát tự nhiên, Bộ Xây dựng đã phối hợp với các Bộ ngành ban hành các Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9205:2012 về cát nghiền cho bê tông và vữa, sản xuất các loại VLXD thay thế cát tự nhiên trong xây dựng, xây dựng Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng, ban hành chỉ dẫn kỹ thuật xỉ gang và xỉ thép sử dụng làm VLXD.

Tiêu chuẩn Việt Nam về yêu cầu kỹ thuật của tro xỉ nhiệt điện làm vật liệu san lấp cho công trình dân dụng, công nghiệp, chỉ dẫn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ nhiệt điện trong san lấp cho công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, TCVN về kỹ thuật thi công nghiệm thu tro, xỉ nhiệt điện làm vật liệu móng đường và đắp nền đường dự kiến ban hành trong năm 2017.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXD thay thế cát tự nhiên như cát nhân tạo nhằm tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương, nguồn đá thải từ ngành công nghiệp khai khoáng, đặc biệt là tận dụng được đá thải từ các mỏ than. Không ít địa phương có các nhà máy sản xuất cát nhân tạo hoạt động nhiều năm nay, có khả năng cung cấp nguồn cát lớn thay thế hoàn toàn cát tự nhiên, góp phần đáp ứng nhu cầu ngày lớn về cát ngay cả khi phát triển ngành công nghiệp xây dựng.

Cân đối cung cầu

Việc cân đối cung cầu cát cho xây dựng và san lấp tại mỗi địa phương rất quan trọng khi thủy văn tự nhiên thay đổi làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cát bồi lắng trên các lưu vực sông và nhu cầu xây dựng nhà ở, hạ tầng ở mỗi địa phương có sự chuyển dịch về khối lượng. Như vậy, vấn đề cốt lõi là sự cần thiết cân đối cung cầu về cát xây dựng với quy hoạch phát triển VLXD thay thế cát tự nhiên cũng như nhu cầu phát triển nhà ở, cơ sở hạ tầng.

Theo Bộ Xây dựng, để có được giải pháp tổng thể, đồng bộ và bền vững cần có chính sách thuế, phí nhằm hạn chế khai thác cát tự nhiên, mang tính không khuyến khích khai thác cát tự nhiên để dần đưa VLXD khác vào thay thế. Đồng thời, cũng dùng chính sách thuế, phí đối với các loại VLXD thay thế cát tự nhiên nhằm đảm bảo giá bán loại VLXD này có giá thành phù hợp nhiều nhất với nhu cầu sử dụng cát, mọi khu vực, mọi đối tượng có thể dễ dàng sử dụng.

Đặc biệt, cần sự phối hợp giữa các Bộ ngành và địa phương trong tính toán, cân đối nhu cầu, dự báo khả năng sử dụng cát, khả năng phát triển nguồn VLXD thay thế cát để có phương án hợp lý sử dụng vật liệu có sẵn tại địa phương, từng bước hạn chế tiến tới không sử dụng cát tự nhiên để san lấp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất cát nhân tạo, sử dụng cát nhân tạo cho bê tông và vữa thay thế cát tự nhiên, hoàn thiện các bộ định mức, kinh tế kỹ thuật, đơn giá đối với các loại VLXD thay thế cát tự nhiên trong xây dựng và san lấp nhằm đảm bảo có đầy đủ cơ sở để địa phương, tổ chức cá nhân thúc đẩy sử dụng VLXD thay thế cát tự nhiên. Đối với các địa phương tập trung nhiều các nhà máy nhiệt điện, phân bón hóa chất và địa phương lân cận, chỉ đạo sử dụng tro, xỉ nhiệt điện cho sản lấp công trình xây dựng, công trình giao thông.

Các địa phương phải luôn tuân thủ việc quản lý, kiểm tra việc khai thác cát đúng quy định, nắm bắt thông tin về cát đầy đủ, chặt chẽ. Đối với những địa phương có nhu cầu sử dụng cát xây dựng lớn như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng…, cần lập kế hoạch, tiến độ cung ứng cát xây dựng trên toàn địa bàn để chủ động chỉ đạo kế hoạch cung cấp ổn định, phù hợp.

Số liệu tổng hợp của Bộ Xây dựng cho thấy, giai đoạn 2016 - 2020, trữ lượng cát xây dựng gồm cả cát san lấp được dự báo là khoảng 2,1 tỷ m3, trong khi chỉ riêng nhu cầu san lấp đã là 2,1 - 2,3 tỷ m3/năm. Như vậy, đến năm 2020, Việt Nam không đủ nguồn cung cát cho xây dựng.


TEEL Việt Nam
(theo báo xây dựng)

Bài viết khác

Giới thiệu công ty

Giới thiệu

TEELgroup được sáng lập bởi các kỹ sư xây dựng trẻ tuổi, năng động và đầy nhiệt huyết, với mong muốn mãnh liệt là được sáng tạo, cống hiến, xây dựng nên những công trình có giá trị trong hiện tại, bền vững trong tương lai...

Đối tác - khách hàng

Copyright © 2024 Teel.vn. All Rights Reserved.

Thiết kế và phát triển bởi Gamma NT

top