tintuc

Yêu cầu bức thiết vật liệu thay thế cát tự nhiên

Việc các địa phương phải sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên là yêu cầu bức thiết khi mà con số dự báo nhu cầu sử dụng lớn hơn đến gần 10 lần tổng công suất khai thác, chế biến cát.
Yêu cầu bức thiết vật liệu thay thế cát tự nhiên 
Yêu cầu bức thiết vật liệu thay thế cát tự nhiên
Sản xuất cát nhân tạo từ bãi thải mỏ than ở Quảng Ninh để thay thế cát tự nhiên.

Quên quy hoạch cát nghiền

Số liệu của Trung tâm Dự báo và quy hoạch phát triển VLXD (Trung tâm dự báo VLXD) cho thấy, tính đến năm 2020, mỗi năm Việt Nam cần 1 - 3 tỷ m3 vật liệu san lấp, 120 triệu m3 cát xây dựng. Trong khi đó, trên toàn quốc có 559 cơ sở khai thác, chế biến cát xây dựng với tổng công suất đạt gần 29 triệu m3/năm, có 71 cơ sở khai thác cát san lấp với tổng công suất khai thác đạt 4,5 triệu m3/năm. Khi nguồn cung không đủ cầu thì cũng dễ để lý giải cho hiện tượng cát tặc lộng hành khắp các địa bàn trên toàn quốc, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Chả thế mà khi Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 161 về kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi vào ngày 24/3/2017, thì hoạt động khai thác cát, sỏi bị kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến hiện tượng giá cát tăng cao, có những địa bàn TP.HCM có thời điểm tăng đến 200%, vì không đủ nguồn cung.

Chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình là rất kịp thời khi mà câu chuyện khai thác, chế biến cát sử dụng cho xây dựng và san lấp thể hiện sự bất cập trong công tác quản lý tại địa phương.

Câu chuyện dự báo nhu cầu sử dụng cát cho xây dựng và vật liệu san lấp cũng như việc quy hoạch phát triển vật liệu thay thế cát tự nhiên được các cơ quan ngành Xây dựng nắm bắt và thực hiện cách đây hơn 15 năm. Từ năm 2002, Trung tâm VLXD đã có quy hoạch sản xuất cát nghiền để thay thế cát tự nhiên. Thế nhưng, dường như quy hoạch này không được sử dụng tới khi mà người ta dễ dàng mua được cát với giá rẻ và sử dụng nó cho nhiều mục đích khác nhau, vừa để xây dựng vừa để san lấp.

Và, ngay cả khi nguồn cung cát tự nhiên là rất hạn chế và việc cấp phép khai thác với số lượng cũng hạn chế, thế nhưng do cơ chế quản lý lỏng lẻo tại địa phương, cát tự nhiên vẫn được khai thác đều đặn, thường xuyên từ các lưu vực sông để cung cấp đủ cho nhu cầu xây dựng và san lấp của người dân và doanh nghiệp.

Công trình thủy điện sử dụng cát nghiền

Theo ông Nguyễn Tiến Đỉnh - Giám đốc Trung tâm dự báo VLXD, hầu hết các công trình thủy điện đều sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Thủy điện Sơn La sử dụng 410 nghìn m3 cát nghiền/630 nghìn m3 cát trong năm 2010, sử dụng 540 nghìn m3 cát nghiền/765 nghìn m3 cát trong năm 2011.

Cát nghiền còn sử dụng làm cốt liệu gạch bê tông - xi măng. Hiện nay các cơ sở sản xuất gạch xi măng cốt liệu trên toàn quốc hầu hết sử dụng đá mạt tại các mỏ khai thác đá xây dựng làm cốt liệu thay thế từ 60 - 100% cát xây dựng.

Khi xây dựng công trình thủy điện Sơn La, các chuyên gia tính toán cần sử dụng khối lượng cát rất lớn, hơn 4,7 triệu m3, phân bổ trong 10 năm. Tuy nhiên, điều kiện giao thông không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển cát từ nơi khác đến, không đảm bảo cả về khối lượng lẫn tiến độ xây dựng công trình, đẩy giá thành cát lên cao. Cho nên, việc sản xuất cát nghiền tại chỗ là công việc cần thiết cho sự thành công của công trình.

Ông Nguyễn Tiến Đỉnh cũng cho biết, việc sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên rất thuận lợi vì đã có hệ thống tiêu chuẩn, quy định công nghệ, hướng dẫn sử dụng… Chất lượng của cát nghiền cũng đảm bảo hơn cát tự nhiên.

Đối với vật liệu thay thế cát tự nhiên trong san lấp, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các địa phương tăng cường sử dụng tro, xỉ làm vật liệu san lấp thay thế cát tự nhiên, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12/4/2017 phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất VLXD và trong công trình xây dựng.

Theo Bộ Xây dựng, lượng tro, xỉ tích luỹ của các nhà máy điện than trong năm 2016 khoảng 23 triệu tấn, dự kiến đến năm 2020, con số này là 109 triệu tấn. Việc xử lý và sử dụng tro, xỉ nhiệt điện mới chỉ chiếm 30% (khoảng 5 triệu tấn) so với tổng lượng thải ra hàng năm.

Nếu như 70% tro, xỉ đang tồn đọng và gây áp lực rất lớn về bãi chứa và vấn đề bảo vệ môi trường, được nghiên cứu, sử dụng trong san lấp, không những là cách giải cho bài toán thiếu hụt cát san lấp hiện nay mà còn là một trong những giải pháp để xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường trong tương lai.

Hạn chế khai thác cát tự nhiên và sử dụng các vật liệu khác thay thế cát tự nhiên là giải pháp căn cơ, bền vững giúp Việt Nam hạn chế tối đa nhất những hệ lụy về ô nhiễm môi trường trong tương lai. Giải pháp này đã là xu thế tất yếu của cả thế giới chứ không chỉ diễn ra ở Việt Nam hiện nay. Điều này sẽ sớm là hiện thực khi Chính phủ kiến tạo quyết tâm thực hiện.

TEEL Việt Nam (theo báo xây dựng)

Bài viết khác

Giới thiệu công ty

Giới thiệu

TEELgroup được sáng lập bởi các kỹ sư xây dựng trẻ tuổi, năng động và đầy nhiệt huyết, với mong muốn mãnh liệt là được sáng tạo, cống hiến, xây dựng nên những công trình có giá trị trong hiện tại, bền vững trong tương lai...

Đối tác - khách hàng

Copyright © 2024 Teel.vn. All Rights Reserved.

Thiết kế và phát triển bởi Gamma NT

top