tintuc

Hút nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch

Sau hơn 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn 2050 được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định 1259/QĐ-TTg (gọi tắt là Quy hoạch chung 1259), bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều định hướng lớn triển khai còn quá chậm.
Các đô thị vệ tinh chưa có nhiều chuyển biến, việc hoàn thiện hạ tầng giao thông theo quy hoạch chưa đáp ứng tốc độ phát triển… Nguyên nhân chính là do chưa có các chính sách mạnh mẽ để thu hút các nguồn lực tham gia phát triển.
 
Hút nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch
Đại lộ Thăng Long kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh. Ảnh: Hữu Thắng

Tắc đường, ngập lụt do... thiếu vốn
 
Quy hoạch chung 1259 của Thủ đô và Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định phát triển đô thị cho Thủ đô Hà Nội theo mô hình chùm đô thị.
 
Trong đó gồm đô thị trung tâm, các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông vành đai kết hợp các trục hướng tâm, có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Thủ đô và quốc gia.
 
Để phát triển theo định hướng, yêu cầu rất lớn về đầu tư xây dựng đường giao thông (đặc biệt là các tuyến đường sắt đô thị, đường vành đai đầu tư mới như đường Vành đai 4, Vành đai 5, hoàn thiện các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2,5 và các tuyến đường xuyên tâm). Tuy nhiên, thực tế khả năng cân đối, bố trí vốn ngân sách để đầu tư xây dựng đường giao thông của TP còn rất hạn chế, không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện, các khu đô thị mới.
 
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, hiện nay TP Hà Nội chỉ có thể đáp ứng được khoảng 46% tổng nhu cầu vốn đầu tư công để phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện tại, mới có 1 tuyến đường sắt đô thị vận hành khai thác (Cát Linh - Hà Đông) trong tổng số 10 tuyến đường sắt đô thị được quy hoạch, 2 tuyến đang trong quá trình xây dựng, các tuyến còn lại đều đang trong giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi…
 
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp đánh giá, để phát triển hệ thống giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thi vệ tinh bằng phương tiện vận tải hành khách công cộng đòi hỏi vốn quá lớn mà ngân sách TP không đáp ứng kịp.
 
Cùng đó là các chủ trương về kiểm soát phương tiện giao thông còn chưa chặt chẽ, nên hiện nay chúng ta đang phải chịu một vấn nạn về ách tắc giao thông. Đặc biệt là ở khung giờ cao điểm, vấn nạn này có xu hướng ngày càng gia tăng trầm trọng hơn. 
 
Hút nguồn lực để hiện thực hóa quy hoạch
Quy hoạch chung Thủ đô gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Hoàng Hà
 
Cần giải pháp mạnh mẽ hơn
 
Theo dữ liệu tính toán của Chương trình phát triển đô thị toàn TP Hà Nội đến năm 2030 và định hướng đến năm 2050 đang nghiên cứu cho thấy, nhu cầu sử dụng vốn để xây dựng hoàn thiện hệ thống đô thị theo Quy hoạch chung 1259 là 8.200.866 tỷ đồng. Trong đó vốn đầu tư cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật khung vào khoảng 5.476.577 tỷ đồng (chiếm 66,7%) còn lại để đầu tư về nâng cấp đô thị.
 
Để phát triển 20 đô thị, trong đó có 1 đô thị loại đặc biệt, 1 đô thị loại I, 3 đô thị loại II, 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV, 12 đô thị loại V như quy hoạch thì Thủ đô Hà Nội phải đầu tư tối thiểu 2.724.289 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư cho đô thị trung tâm khoảng 70% nhu cầu đầu tư, 19 đô thị còn lại chỉ chiếm 30%. Với cơ cấu này thì không thể phát triển đô thị ngoại thành để gánh đỡ cho đô thị trung tâm như dự kiến tại Quy hoạch chung 1259 đặt ra.
 
Tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh và các TP thuộc Thủ đô như đường sắt ngoại ô, xe buýt các loại… cần khoảng 4.700.000 tỷ đồng. Theo dự toán, ngân sách của TP chỉ đáp ứng được 7% nhu cầu ngân sách phát triển hạ tầng. Riêng hạ tầng cho các khu đô thị mới, đô thị vệ tinh toàn bộ dự kiến khoảng 2.786.079 tỷ đồng. Nếu dành ngân sách để làm những việc này thì việc đầu tư cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội khác như y tế, an sinh xã hội, giáo dục, khoa học công nghệ… sẽ không còn tiền.
 
Cũng do ngân sách eo hẹp và được phân bổ theo từng giai đoạn nên việc phát triển các đô thị mới đô thị vệ tinh, TP thuộc Thủ đô và hệ thống giao thông kết nối sẽ bị kéo dài. Dự tính, không kể đến tác động tiêu cực của Covid-19, để thực hiện Quy hoạch 1259 cũng phải mất khoảng 25 năm. Thực tế, hiện nay sau 11 năm thực hiện, kết quả chưa thấy nhiều biến chuyển ảnh hưởng đến tốc độ phát triển nhanh của kinh tế Thủ đô và vùng Thủ đô.
 
Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, để hoàn thành nhiệm vụ đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng thiết yếu, việc bố trí nguồn vốn và xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ có tính chất then chốt, quyết định.
 
Do đó cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho HĐND TP Hà Nội được sử dụng các nguồn tài chính, ngân sách TP trong thời gian tạm thời chưa sử dụng; được phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô và các nguồn tài chính hợp pháp khác để ứng vốn chi giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch đã được phê duyệt.
 
Trong thực hiện quy hoạch xây dựng thì quy hoạch hạ tầng được coi là xương sống để tháo gỡ vấn nạn tắc đường, ngập úng hiện nay tại Hà Nội. Do đó, để hiện thực hóa Quy hoạch chung 1259 và các quy hoạch, kế hoạch khác của Thủ đô, rất cần có các giải pháp mạnh trong việc huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia vào phát triển đô thị. Một số hình thức trong phương thức hợp tác công tư như BOO, BOM, BTL, BLT… cũng cần cân nhắc để áp dụng cho Hà Nội.

Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam Lê Quốc Hiệp
 
TEEL Việt Nam (Theo Kinh tế đô thị)

Bài viết khác

Giới thiệu công ty

Giới thiệu

TEELgroup được sáng lập bởi các kỹ sư xây dựng trẻ tuổi, năng động và đầy nhiệt huyết, với mong muốn mãnh liệt là được sáng tạo, cống hiến, xây dựng nên những công trình có giá trị trong hiện tại, bền vững trong tương lai...

Đối tác - khách hàng

Copyright © 2024 Teel.vn. All Rights Reserved.

Thiết kế và phát triển bởi Gamma NT

top